Nhất là từ khi Thủ tướng chính phủ ban hành và phê duyệt Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ này đã trở nên ngày càng cấp thiết do đáp ứng các nhu cầu thực tiễn và là đòi hỏi thực tế của công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Hoạt động này được triển khai hiệu quả nhờ sự phối kết hợp giữa các hoạt động của Techmart thực, Techmart online và sàn giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị, góp phần phát triển nguồn lực thông tin công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước, quảng bá, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nội sinh, các công nghệ, thiết bị và sản phẩm có tính ứng dụng thực tế và thương mại hóa cao, góp phần kết nối cung cầu hiệu quả.
Các kết quả đạt được được minh chứng bởi các con số cụ thể sau đây:
* Về các sự kiện tổ chức và tham gia:
Từ năm 2011 đến 2020, Cục Thông tin KHC&CN quốc gia đã phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức được 02 kỳ Techmart quy mô quốc gia và quốc tế, 05 kỳ Techmart vùng và 05 Techmart chuyên ngành như Techmart Việt nam 2012, Techmart Quốc tế năm 2015, Techmart Quảng Nam 2011, Techmart Hà nội 2013, Techmart Đaknong 2013,Techmart Hanoi 2016, Techamart-Techfest Mekong 2019, các Techmart chuyên ngành như (BioTechmart 2016 và 2019) và Techmart Tự động hóa (Automation Techmart 2017), Công nghệ thông tin (IT-Techmart 2018), Techmart Cần Thơ (2019). Bên cạnh đó, tham gia các Triển lãm khoa học và công nghệ quốc tế tại Myanmar (2017), Techmart Lào (2017), Singapo (2018) để giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ của Việt Nam, huy động được gần 900 đơn vị tham gia với gần 1000 gian hàng, giới thiệu và chào bán gần 5000 công nghệ và thiết bị và phối hợp với tập đoàn muchen của Đức tổ chức các Triển lãm Quốc tế về Phân tích, Thí nghiệm, Chẩn đoán và Công nghệ Sinh học (Analytica) định kỳ 02 năm/một lần, các Triển lãm giới thiệu các thành tựu KHCN và đổi mới sáng tạo trong nước như Triển lãm thành tựu KH&CN để giới thiệu những đóng góp của KH&CN với sự phát triển kinh tế-xã hộinhân dịp kỷ niệm 50 năm (04/3/1959 – 04/03/2009), 60 năm thành lập ngành Khoa học và Công nghệ (04/3/1959 – 04/03/2019) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành; biểu dương những thành tựu to lớn, những đóng góp của ngành Khoa học và Công nghệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành và của đất nước; Triển lãm giới thiệu thành tựu KH&CN Sông Hồng tại Hải Phòng năm 2018 v.v…
Ngoài ra, để kết nối chuyển giao công nghệ quốc tế, NASATI tiếp tục duy trì và phát triển cổng giao dịch công nghệ toàn cầu của dự án SS-gate (khi Việt Nam là thành viên) thông qua việc cung cấp các thông tin về các kết quả nghiên cứu, các công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ có khả năng thương mại hóa của Việt Nam cho hệ thống mạng lưới xúc tiến giao dịch công nghệ toàn cầu này.
* Về Techmart online :
- Thường xuyên bổ sung cập nhật CSDL công nghệ chào bán, công nghệ tìm mua, tin tức công nghệ, chuyên gia tư vấn công nghệ trên cổng thông tin điện tử Techmartvietnam.vn. Cụ thể :
- Số lượng công nghệ, thiết bị được cập nhật trung bình hàng năm (trong 5 năm trở lại đây là 1.000 biểu ghi công nghệ, thiết bị) và tính đến ngày 2/11/2020 có khoảng gần 24,000 công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ.
- Số lượng chuyên gia tư vấn khoa học và công nghệ : Số lượng truy cập vào Techmart online tính đến ngày 2/11/2020 : gần 2,500 chuyên gia
- Số lượng truy cập trang techmartonline tính đến ngày 2/11/2020 là 77.688.574 lượt truy cập ;
Bên cạnh những thành tích và kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và kết nối cung cầu còn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi vì còn gặp những tồn tại, khó khăn như sau:
- Sản phẩm CN&TB trong nước còn nhiều hạn chế về số lượng, chất lượng nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc định giá, xác định phương thức chuyển giao. Thực tế, sàn giao dịch thông tin công nghệ mới chỉ dừng ở việc thực hiện chức năng kết nối thông tin khoa học và công nghệ giữa các bên cung và cầu công nghệ, thiết bị và chủ yếu thực hiện trên môi trường mạng internet.
- Nội dung kết nối cung - cầu công nghệ tại sàn giao dịch công nghệ chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì chưa quản lý được số lượng cũng như giá trị các hợp đồng triển khai thành công. Mặt khác, nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế, chưa có công nghệ đủ sức thu hút doanh nghiệp đổi mới. Điều này là do số lượng ít, mức độ tự chủ thấp, nguồn lực tài chính còn hạn chế, nên hoạt động của các sàn GDCN còn khiêm tốn, sàn nào cũng gặp những khó khăn.
Các mạng lưới tổ chức trung gian, các dịch vụ trung gian chưa phát triển, hoạt động yếu nên khó đẩy mạnh công tác thương mại hoá sản phẩm CN&TB, chưa tạo được sức mạnh tổng thể với hạt nhân là SGDCN trong việc thúc đẩy thị trường KH&CN.
- Sàn giao dịch công nghệ chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn chuyên gia lựa chọn công nghệ, tư vấn về các chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tư vấn về pháp lý, về sở hữu trí tuệ v.v..chưa có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính.
- Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có thói quen chuyển giao công nghệ; người bán công nghệ thường khó tiếp cận người mua vì hạn chế đầu mối hoặc kênh thông tin kết nối để đáp ứng công nghệ đúng nhu cầu của người mua. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng chưa chú ý tới việc tìm kiếm chuyên gia tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ. Mặt khác, chưa thiết lập được mạng lưới chuyên gia tư vấn cũng như cơ chế hoạt động để góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn, thương mại hóa công nghệ.
Nguyên nhân là do:
Việc xây dựng phát triển các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được cơ chế cho các tổ chức này hoạt động vì vậy việc hỗ trợ triển khai chuyển giao công nghệ trong và nước ngoài. Mặt khác đội ngũđội tư vấn môi giới giao dịch và chuyển giao công nghệ không có nhiều, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, để nhiệm vụ xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ được duy trì và phát triển, cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện lớn như Techmart, các triển lãm khoa học và công nghệ, các hội thảo để tiết kiệm nguồn nhận lực và vật lực cho cả đơn vị tổ chức và đơn vị tham gia.