Ðồng thơm nắng chiều

Đăng bởi Thu Trang

05/11/2020 23:32

Chị gọi cho tôi vào một buổi chiều khi đi thăm đồng: “Lúa vào vụ chín rồi, em ạ”. Cái giọng nằng nặng đậm chất quê truyền qua điện thoại lẫn trong tiếng gió vi vu trên cánh đồng lúa làm tôi chỉ ước ngay lúc đó, có thể chạy về nơi chị đang đứng.

Mùa gặt trên cánh đồng. Ảnh: KHÁNH HUY

Nhanh thật! Thế là đã đến mùa lúa chín. Ào ạt trở về trong ký ức là hình ảnh lũ chúng tôi ngày nào chân trần tung tăng trên con đường đất, đuổi theo những chiếc xe bò lộc cộc, bên trên chất đầy lúa. Những bó lúa được nâng niu theo những  người nông dân trở về sân tuốt. Cả cánh đồng chỉ thấy một mầu vàng óng ả, rực rỡ của lúa hắt lên trên nền trời xanh trong của tiết thu, làm cho vạn vật dường như tươi sáng hơn, ấm áp hơn. Những thửa ruộng đã cắt còn trơ lại những gốc rạ, tỏa ra thứ mùi ngai ngái của bùn đất lẫn trong mùi rạ còn tươi. Bóng người nhấp nhô ở những thửa ruộng đang gặt dở chừng, chốc chốc lại rộ lên đâu đó tiếng cười sảng khoái trên những khuôn mặt rạng ngời lấm tấm mồ hôi. Tất cả tựa như một bức tranh yên bình và dịu dàng cứ theo tôi mãi trong suốt những cuộc hành trình.

Tháng 10, lúa vào vụ mùa. Mùa này quê tôi thường trồng giống nếp cái hoa vàng. Thứ nếp hạt mẩy, tròn căng như chứa đầy những yêu thương ngọt ngào của người quê. Giống nếp hoa vàng thơm từ khi kết hạt. Ði qua cánh đồng thôi cũng có thể ngửi thấy mùi sữa lúa. Vào vụ chín rồi, hương lúa sẽ bay theo gió đến tận đầu làng. Thứ nếp ấy mà đồ xôi thì không gạo gì ngon bằng. Xôi nếp hoa vàng béo bùi, dẻo quắn, hương thơm hòa quyện giữa chiều thu trong vắt se se lạnh, khiến ai đã một lần chạm môi sẽ một đời nhớ mãi. Rượu nếp cái hoa vàng đất Nhội (xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh, Hà Nội) uống đến lúc say vẫn chưa biết mình đã say. Hương vị nồng cay của rượu cất từ loại nếp này khiến bất cứ khách quý phương xa nào đến nơi đây cũng không thể chối từ.

Bây giờ cấy cày nhàn hơn hẳn, cho nên ngày mùa cũng không còn được mọi người háo hức chờ đợi như trước. Con đường làng chẳng có một cọng rơm phơi để tôi được ngửi thứ mùi ngai ngái nồng nồng. Những ngày mùa, thay vì tiếng máy tuốt chạy “rào rào” trong sân, giờ là máy gặt đập liên hợp đến tận ruộng, mỗi nhà chỉ cần một, hai người mang xe chở thóc về phơi, thậm chí cũng chẳng cần phơi, vì đã có xưởng sấy thuê ở ngay đầu cánh đồng. Có lẽ vì thế mà không khí ngày gặt không còn rộn ràng như xưa.

Nhưng tôi vẫn thích được trở về quê những ngày này. Tôi thèm cái cảm giác được đi bên cạnh chị tôi ở giữa con đường đồng vào những ngày thu tiết trời dễ chịu như hôm nay. Thèm được ngắm nhìn những ruộng lúa vàng ươm, oằn cong những bông lúa trĩu hạt, để hít hà thứ hương lúa còn lưu luyến cái dịu ngọt của đất trời, cái ngai ngái của cây cỏ. Tôi thèm được nhìn thấy ánh mắt của chị ngời lên khi ngắm nhìn công lao tảo tần đến ngày thu hái. Và thèm nhất là sau những ngày gặt, chị thể nào cũng đem thứ nếp mới vừa được nắng, xát trước một mẻ để đồ xôi.

Ôi chao nếp mới! Thơm đến là thơm. Dẻo bùi quyến luyến. Thứ hương thơm ấy là hương thơm của nắng mật, của tinh khiết đất trời. Ðó là hương thơm của mồ hôi, của bàn tay lao động chăm chỉ. Ðó là mùi hương của ấm no, mùi hương của những đắng cay, vất vả của chị, của mẹ, của biết bao người dân quê tôi.

Nắng tháng 10 thơm lắm. Thơm cả cánh đồng lúa đã vào mùa.

Thu Trang
Nguồn Sưu tầm
Bạn đang đọc bài viết "Ðồng thơm nắng chiều" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.