Để tranh Hàng Trống vẫn... sống

Đăng bởi Tùng Sơn

17/12/2020 10:58

Tại Việt Nam, có nhiều dòng tranh dân gian nhưng nổi tiếng và được người dân biết đến nhiều nhất là tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống.

Đặc sắc và... mai một

Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in trên ván nét đen lấy hình, còn màu là thuốc nước với các gam màu tươi sáng, tô bằng bút lông. Dù chỉ có sáu màu cơ bản nhưng do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh Hàng Trống rực rỡ, phóng khoáng hơn những dòng tranh khác.

Giá trị đặc sắc ở tranh Hàng Trống đó là đề tài đa dạng từ tranh lịch sử, tranh thờ, trang trí đến sinh hoạt xã hội... Nhờ thế, dòng tranh này có mặt trong nhiều tầng lớp trong xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau. Nếu tranh Tết có thể còn nhiều dấu vết từ tranh Trung Quốc, với những chúc phúc, tứ quý, tứ bình, tam đa, tố nữ, công, cá thì tranh thờ Hàng Trống có nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt, đó là đạo Mẫu. Chính vì vậy, tranh Hàng Trống là sự biến văn hóa, nơi dấu ấn và sự tác động lớn của văn hóa bản địa đã làm nên bản sắc riêng, không còn giống như nơi nó được sinh ra.

Từng rất phát triển và được coi là đỉnh cao của kỹ thuật tranh dân gian Việt Nam nhưng theo nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền, do biến cố lịch sử và sự thay đổi cơ bản về văn hóa, hầu như các nhà làm tranh đều bỏ nghề, nhiều nhà còn đốt bỏ hết những dụng cụ làm tranh như ván, bản khắc. Hiện nay ở Hà Nội còn lại duy nhất nhà nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ và in tranh Hàng Trống. Giờ đây, ký ức về một Hàng Trống phồn thịnh với nghề làm tranh chỉ còn trong trí nhớ của những bậc cao niên, sử sách...

Một tác phẩm sơn mài lấy hình ảnh, ý tưởng từ tranh dân gian Hàng Trống tại trưng bày Từ truyền thống tới truyền thống.

Một tác phẩm sơn mài lấy hình ảnh, ý tưởng từ tranh dân gian Hàng Trống tại trưng bày Từ truyền thống tới truyền thống.

Nỗ lực lưu giữ, lan tỏa

Tuy nhiên, không ít người đã nỗ lực để lưu giữ và lan tỏa dòng tranh dân gian đặc sắc này. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người cuối cùng còn thành thạo kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống, nay đã 70 tuổi nhưng vẫn quyết giữ nghề và “hễ lúc nào còn sức, còn vẽ được, tôi cứ vẽ”. Ông cũng đã truyền nghề lại cho con trai để nghề làm tranh của tổ tiên không bị thất truyền.

Hiện nay tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hà Nội), cuộc trưng bày về tranh Hàng Trống với chủ đề Từ truyền thống tới truyền thống nhận được sự chú ý của công chúng. Đáng chú ý, cuộc trưng bày cho thấy những nghệ sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật “làm mới” tranh Hàng Trống rất đặc biệt: sử dụng kỹ thuật tranh sơn mài, tranh lụa - những chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. Với tranh lụa, sơn mài, các mẫu tranh Hàng Trống vốn rực rỡ được chuyển thể sang gam mầu trầm khiến những bức tranh trở nên có chiều sâu, đượm màu hoài cổ.

Trong khi đó, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Dòng tranh dân gian Hàng Trống. Cuốn sách này được tác giả dày công nghiên cứu, tìm tòi được nhiều tư liệu cổ. Với hệ thống tư liệu phong phú, độc giả có thể hiểu cặn kẽ hơn về sự ra đời, phát triển của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cũng như những bức tranh Hàng Trống từ xưa đến nay. Các nhà nghiên cứu đánh giá cuốn sách như một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với cuộc sống hiện tại; cung cấp tư liệu cần thiết về dòng tranh dân gian nổi tiếng, từ đó lan tỏa, đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống trong tâm hồn thế hệ trẻ.

Ngoài ra còn có nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang, nhiều năm qua đã dành thời gian và công sức tìm hiểu, sưu tập, nghiên cứu các chủ đề khác nhau của tranh Hàng Trống, từ đó lọc ra những chi tiết riêng biệt của tranh. Không dừng lại ở đó, chị in những họa tiết của tranh Hàng Trống lên vải, làm khăn lụa, may áo quần, túi xách, phong bao lì xì, bưu thiếp, bao bì, vỏ gối… Đặc biệt nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang còn tập hợp kiến thức, thành quả trong nhiều năm để in thành cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, từ đó tiếp lửa cho sinh viên ngành thiết kế và những ai yêu mến dòng tranh này, muốn sáng tạo từ nó.

Tùng Sơn
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/de-tranh-hang-trong-van-song-n184271.html
Bạn đang đọc bài viết "Để tranh Hàng Trống vẫn... sống" tại chuyên mục TIN TỨC. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.