Nổi bật với cái tên độc đáo
Khi được hỏi về nguồn gốc mà Anh có tên khai sinh đặc biệt như vậy, anh tâm sự: “Hồi nhỏ tôi cũng thắc mắc hỏi ba mẹ về điều này, ba tôi nói rằng, ông kì vọng khi lớn tên, tôi sẽ trở thành một người thông minh, tài giỏi, như tên của nhân vật trong bộ phim chiếu bóng thời xưa mà ba mẹ tôi được xem: Aly Kha. Không biết có phải là duyên hay không, nhưng với cái tên đặc biệt ấy, anh đã trở thành một MC truyền hình được nhiều người biết tới, và càng ngày càng gắn bó hơn với người đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk, phát triển thương hiệu Cà Phê Ê đê vươn tầm trong nước và quốc tế”.
“MC – Người dẫn chương trình” đam mê với nông nghiệp:
Xuất thân từ gia đình thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn ALy Kha đã cùng ba mẹ đi làm nương làm rẫy, chăm sóc thu hái cà phê để phát triển kinh tế, có cái ăn, cái mặc. Nhưng dù cố gắng đầu tắt mặt tối, dầm mưa dãi nắng, thì gia đình anh cũng như nông dân trồng cà phê nói chung vẫn nghèo. Hai anh trai của Aly Kha đã phải dang dở việc học để nhường lại cho anh cơ hội viết tiếp ước mơ đến trường, và được học lên Đại học, nên Anh Kha hiểu được rằng, mình phải làm gì đó khác biệt để cải thiện kinh tế cho gia đình, cho cộng đồng người làm cà Phê tại Đắk Lắk. Năm 2015, sau khi thi tuyển và được chọn làm việc Đài Phát Thanh và Truyền Hình Đắk Lắk, anh đảm nhiệm vị trí MC – Người dẫn chương trình Thời sự, Chuyên mục, và cả những chương trình trực tiếp đồng hành, tư vấn cùng Nhà nông- Một lĩnh vực mà anh rất đam mê. Anh mong muốn được chia sẻ, kết nối giữa các nhà khoa học và người dân, để giúp bà con tiếp cận được với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, nâng cao giá trị phát triển kinh tế… Song, Thời gian qua, giá trị của các loại nông sản trên thị trường liên tục xuống thấp, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá cả bấp bênh, càng làm Aly Kha cảm thấy trăn trở nhiều hơn.
Phát triển thương hiệu mang tên Ê đê Café:
Bước ngoặt đến với anh vào năm 2019, khi đi thực hiện phóng sự trải nghiệm về hoạt động liên kết chuỗi giá trị Cà phê, Nguyễn Aly Kha đã gặp Y Pôt niê, người Ê đê bản địa đang xây dựng và khẳng định thương hiệu Ê đê Café của riêng mình, và thực sự bị thuyết phục bởi ý chí nghị lực của chàng trai này. Họ quyết định đồng hành cùng nhau, để cùng phát triển thương hiệu Ê đê café, nâng tầm cà phê chỉ dẫn địa lí Buôn Ma Thuột.
Giúp bà con nâng cao giá trị cà phê
Dẫn chúng tôi thăm quan vùng nguyên liệu, xen giữa rẫy cà phê trĩu quả, xanh mướt vì được mùa, Anh Y Pôt và Aly Kha phấn khởi chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là xuất khẩu cà phê ra nhiều nước trên thế giới, nâng cao giá trị cà phê và góp phần tăng thu nhập cho người dân. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản lượng, tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân tích cực tái canh cà phê”.
Không dừng lại ở đó, Công ty Ê đê café còn tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ và sự kiện về nông sản hữu cơ, giới thiệu sản phẩm trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội… để tìm thị trường. Một số công ty ở Nhật Bản, các nước Trung Đông cũng đã cử đại diện đến tận nơi tìm hiểu, khảo sát và đặt vấn đề thu mua và hợp tác phát triển cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ.
Chinh phục vị đắng, Ê đê café thu về trái ngọt. Năm 2021, cà phê Robusta của Công ty Ê Đê Café đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”. Tháng 12/2021, sản phẩm cà phê bột Robusta của Ê đê café được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm Ê đê Café đã vươn xa đến nhiều nước như: Singapore, Canada, Đức, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), … “Rất nhiều khách hàng thích thú hương vị cà phê Ê đê đến tận nơi tham quan, mua về nước để dùng, có những khách hàng mua vài trăm ký”, Anh Kha cho biết.
Để có đủ nguyên liệu chế biến cà phê bột, Công ty Ê đê Café mua cà phê của người dân trên địa bàn với giá cao hơn giá thị trường. Đồng thời, vận động bà con trong buôn chuyển đổi hình thức canh tác hữu cơ đảm bảo chất lượng cà phê. Đến nay, Công ty Ê đê Café đã liên kết với 50 hộ dân trong buôn mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 ha cà phê Robusta.
Hiện, Ê đê Café nhận hàng chục lao động phổ thông đều là người Ê đê vào làm việc, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Tuy mới chỉ gặt hái được những thành quả ban đầu, tuy nhiên, với những định hướng, tầm nhìn, khi thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ đầu vào: liên kết với nông dân, chế biến sâu và bán sản phẩm nguyên chất, an toàn đến tận tay khách hàng, Nguyễn Kha tin rằng, hướng đi của Ê đê cà phê mang ý nghĩa giá trị lớn lao, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Dù với vai trò là một MC truyền hình, hay là một nông dân sản xuất và kinh doanh cà phê, chàng thanh niên có cái tên đặc biệt này vẫn luôn tập trung hoàn thành tốt mọi việc trong khả năng của mình: Đưa khoa học kĩ thuật, biện pháp chăm sóc cà phê, nông sản chia sẻ với bà con, kiên định mục tiêu cho công việc phát triển sản phẩm cà phê chủ lực của địa phương. Đối với Aly Kha, tuổi trẻ của anh là để trải nghiệm và thử sức trong nhiều lĩnh vực để khám phá được bản thân cũng như sống cho trọn vẹn một thời tuổi trẻ, vậy nên anh hoàn toàn tin tưởng vào con đường phát triển của mình đã chọn.