TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ TRÊN CƠ SỞ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG.

28/04/2021 09:27

Một trong những nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta là chuyển từ tăng trưởng dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào năng suất, chất lượng của lao động và vận dụng tiến bộ tiến bộ khoa học công nghệ . Để làm việc này, cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực hướng vào chuyển dịch tích cực sang các ngành, lĩnh vực có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao hơn.

Thực tiễn nhiều thập niên qua cho thấy, thị trường lao động ở Việt Nam đã hình thành và được cải thiện về chính sách, tạo khung khổ pháp lý để phát triển, Cùng với thị trường, chất lượng lao động từng bước nâng cao, sức cạnh tranh về nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động đã có nhiều thay đổi. Gần đây, thị trường lao động có chuyển biến tích cực, đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang chính thức, từ công việc không ổn định sang việc làm ổn định và quan trọng là từ lĩnh vực năng suất lao động (NSLĐ) thấp sang những ngành nghề có NSLĐ cao hơn. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì thị trường lao động nước ta còn nhiều bất cập. Nhìn chung, vẫn còn dư thừa lao động, chất lượng việc làm chưa cao, phát triển không đồng đều, mất cân đối cung-cầu giữa các vùng miền và trong nhiều ngành kinh tế-kỹ thuật. Trong thị trường, lao động phi chính thức và lao động phổ thông vẫn là chủ yếu; lực lượng lao động qua đào tạo đến năm 2020 mới đạt 24,5%, chưa tính đến cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu đòi hỏi thực tế. Trong quản lý lao động, các định chế trung gian, hệ thống quy phạm pháp luật và chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường.

Trong bối cảnh quốc tế biến động khó lường; trước diễn biến gay gắt của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) và đại dịch Covid-19 đang đặt ra những yêu cầu mới về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và nhất là sức cạnh tranh của sản  phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, được sự hỗ trợ của Aus4Reform, ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”

Trong thông cáo báo chí nhân sự kiện này, CIEM đã nhấn mạnh đến những nội dung trao đổi thảo luận tại Hội thảo, tập trung vào (i) Các chính sách và diễn biến thực tiễn thị trường lao động trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế; (ii) Tình hình kinh tế-xã hội tác động đến phát triển thị trường lao động những năm 2021-2030 và (iii) Định hướng, giải pháp phát triển thị trường lao động giai đoạn 2025 và những năm tiếp theo.

Thị trường lao động Viêt Nam quá trình nhìn lại

Mở đầu hội thảo, báo cáo của CIEM đã nhấn mạnh đến phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, các nhà phân tích đã tập trung vào đánh giá lại hệ thống chính sách đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (ĐT&GDNN}, tạo việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách kết nối cung cầu lao động.

Từ thưc trạng diễn ra, giới nghiên cứu cho rằng, Thủ tướng Chính phủ và các tổ chức liên quan đã có nhiều nỗ lực, ban hành những Nghị quyết, Quyết định và Chỉ thị kịp thời vè đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp, gắn công tác ĐT&GDNN với thị trường lao động để giải quyết việc làm. Nhiều nội dung đã được thể chế thông qua Hiến pháp và những Bộ Luật về Lao động, Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, Luật Thanh niên, Bình  đẳng giới và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, hệ thống chính sách còn nhiều hạn chế, chưa bao phủ được mọi lĩnh vực hoạt động, thiếu đồng bộ và chậm triển khai theo quy hoạch, cơ chế tự chủ về tài chính chưa đi cùng tự chủ về con người, chưa gắn kết chặt chẽ với chính sách dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế. Do một số quy định thiếu hợp lý dẫn đến thực thi thiếu hiệu quả, việc kiểm tra giám sát chưa nghiêm, khiến người lao đông(NLĐ) khó tiếp cận được với những chính sách ưu đãi,

Mặc dù chính sách tiền lương đã được quy định đối với khu vực công và lương tối thiểu đối với khu vực tư đã được xác định trên quan hệ nhà nước, Người sử dụng lao đông và Người lao động, song mức lương tối thiểu vẫn chưa đủ đảm bảo cuộc sồng, chậm đổi mới cơ chế, việc thương lượng, thỏa thuận nhiêu khi còn mang tính hình thức nên đã hạn chế đến việc sử dụng lao động trong nền kinh tế.

Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Nghị quyết 518/UBTVQH14 quy định về chi phí BHXH, song việc thực hiện vẫn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội về việc làm, thu nhập và trợ cấp xã hội,

Chính sách kết nối cung cầu lao động đã hướng vào phát triển các định chế trung gian như tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp lao động; xây dựng hệ thống thông tin, phân tích thị trường lao động; song các Trung tâm thông tin dịch vụ Lao động (TTDVLĐ) công còn thiếu năng động, nặng tính hành chính, thiếu kết nối với các doanh nghiệp và cung cấp dich vụ việc làm cho khu vực tư. Nhìn chung, hệ thống thông tin thị trường lao động còn phân mảnh, thiếu sự gắn kết và cho đến nay, vẫn chưa có đủ dữ liệu quốc gia về việc làm, trên một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm còn phải thông qua những hoạt dộng phi chính thức, từ bạn bè hoặc người thân, chỉ có từ 2% đến 3% tìm qua trang web.

Phân tích thực trạng lao động trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế Việt Nam những năm 2017-2018, các nhà nghiên cứu nhận thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước(DNNN) có xu hướng giảm (- 6,2%), khu vực DN ngoài NN tăng + 19,1%, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tăng +22,9 và tăng cao nhất là cơ sở kinh doanh (CSKD) cá thể ngoài nông nghiệp tới + 41,9%.

Dấu hiệu tích cực trên thị trường lao động đã được thể hiên qua chất lượng việc làm. Tuy chất lượng việc làm còn thấp, nhưng đã dần được cải thiện qua từng năm với tỷ lệ lao động phi chính thức có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ 2015 đến 2019

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tỷ trọng %

58,3

57,2

57

56,2

54,6

56,2

Nguồn CIEM 4.2021

Đáng quan ngại trong thị trường lao động hiện nay là lao động ngày càng già hóa, lao động cao tuổi gia tăng trong khi lao động trẻ chưa đủ thay thế. Số liệu điều tra cho thấy, thất nghiệp của lao động trong độ tuổi từ 15 đến 45 thường ở mức cao, năm 2019 hơn 6,5% và chiếm tới 38,7% tổng số lao động thất nghiệp. Ngoài ra, lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng miền. Những vùng đất rộng có tỷ lệ lao động thấp như Trung du miền núi phía Bắc chiếm khoảng 13,8% lực lượng lao động (LLLĐ) và vùng cao Tây Nguyên chỉ chiếm trên 6,2% LLLĐ xã hội.

Trên thị trường lao động việc dịch chuyển lao động nông thôn vào các khu công nghiệp và đô thị còn chậm, LLLĐ xã hội. còn tập trung nhiều tại khu vực nông thôn. Trong 10 năm chuyển dịch (2010-2019) dịch chuyển lao động nông thôn vào các khu công nghiệp và đô thị mới giảm trung bình khoảng 1,5%/năm. Xu hướng giảm lao động ở khu vực nông thôn giai đoạn 2010-2019 được thể hiện như sau

Năm  2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

%     49,5

48,4

47,4

46,7

46,3

43,6

41,6

40,0

37,5

34,5

Nguồn CIEM 4.2021

Nghiên cứu hiệu quả phân bổ nguồn lực trên thị trường lao động các nhà phân tích nhận thấy, thị trường lao động vẫn còn dư thừa lao dộng và phát triển không đồng đều;chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang những lĩnh vực có năng suất, thu nhập cao và từ khu vực phi chính thức sang chính thức tuy được cải thiện nhưng tốc độ còn rất chậm. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là chính sách chưa đồng bộ, triển khai chậm; giáo dục đào tạo chưa gắn với nhu cầu; chính sách tiền lương chưa tạo ra động lực; loại hình BHXH phát triển chậm; các định chế trung gian còn hạn chế; thiếu những quy định trong quản lý lao động phi chính thức và quan trọng là chưa phát triển đầy đủ hệ thống thông tin thị trường về lao động.

Thị trường lao động từ kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam

 Trong bối cảnh Kinh tế toàn cầu thay đổi và có nhiều biến động khó lường với sự phát triểnr mạnh mẽ của cách mạng Khoa học Công nghệ, diễn biến gay gắt của BĐKH và hiểm họa từ đại dịch Covid-19. Để phát triển nhanh bền vững, tái cơ cấu và đổi mới nền kinh tế cần rút kinh nghiệm từ phát triển thị trường lao dộng từ các quốc gia trong khu vực để vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước trong bối cảnh mới.

Từ kinh nghiệm huy động sự tham gia của khu vực tư nhân với sự hỗ trợ có thời hạn của nhà nước tại Singapore đến xây dựng, điều chỉnh sách tạo việc làm theo hướng tận dụng lao động nhàn rỗi, chú trọng đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp của Hàn Quốc và chính sách tiền lương theo năng lực, khuyến khích lao động cao tuổi tiếp tục làm việc ở Nhật Bản, các nhà phân tích đã nhấn mạnh đến việc đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động có trình độ văn hóa phổ thông; chú trọng Quỹ phát triển kỹ năng (SDF) do người lao động đóng góp với mức thuế khoảng 1% và sử dụng các gói hỗ trợ có thời hạn theo từng độ tuổi đối với người từ 25 tuổi trở lên để tham gia các khóa đào tạo; hỗ trợ thành phần yếu thế trong xã hội bao gồm người trẻ tuổi, phụ nữ, người nghỉ hưu,người già tham gia vào các hoạt động kinh tế để có thu nhập ổn định; thiết kế những chính sách theo giai đoạn, quy định các doanh nghiệp có nghĩa vụ đào tạo nghề trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kinh nghiệm từ Nhật bản còn cho thấy, từ giữa những năm 1990, quốc gia này đã điều chỉnh chính sách tiền lương từ thâm niên sang theo năng lực, tăng tuổi về hưu được hưởng lương; chính sách lương hưu không còn nhiều ưu đãi nhằm tạo động lực để lao động cao tuổi tiếp tục làm việc. Ngoài ra cũng cần xây dựng chính sách tiền lương linh hoạt để doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh với môi trường kinh doanh thay đổi và năng lực cạnh tranh của khu vực công-tư.

Hội thảo Phát triển thị trường lao động thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Viêt Nam đã phát đi thông điệp ưu tiên chính sách và nguồn lực cần thiết để cải thiện và phát triển thị trường lao động; qua đó sẽ thúc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Từ những vấn đề đặt ra, phát triển thị trường lao động cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động; chính sách tiền lương và các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, BHXH để thúc đẩy phát triển thị trường theo hướng hiện đại, hiệu quả và đủ khả năng hội nhập sâu vào thị trường khu vực và thế giới.

Phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện thể chế thi trường, tạo lập những điều kện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt, cạnh tranh và hội nhập; Cần hoàn thiện chính sách để phát triển đồng bộ; liên thông cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường và tăng cường hơn nữa việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Để thực hiện được định hướng này, tăng cường vai trò nhà nước trong hoạt động kiểm tra giám sát, điều tiết, kết nối cung cầu lao động trong phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế là việc làm cần thiết.

Giảỉ phápphát triển thị trường lao độ trong tái cơ cấu nền kinh tế từ góc nhìn nghiên cứu

Các nhà khoa học thuộc viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ bắt đầu từ sửa đổi Luật việc làm; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thị trường lao động; chuyển đổi hình thức kinh doanh, tiến tới luật hóa những hoạt động này. Theo đó, cần tập trung vào  các chính sách đào tạo, tạo việc làm, tiền lương; phát triển đa dang các loại hình BHXH và tăng cường phát triển các định chế trung gian nhât là hệ thống thông tin truyền thông về lao động.

Cụ thể hóa những giải pháp cần làm, trong Hội thảo“Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” đại diện nhóm nghiên cứu thuộc CIEM đã nhấn mạnh, trong sửa đổi Luật việc làm, cần tiến hành sao cho phù hợp với các hình thái việc làm mới theo định hướng phát triển và mở rộng quy mô việc làm bền vững, giảm quy mô việc làm phi chính thức;hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Đối với những chính sách cụ thể nhóm nghiên cứu  của viện đã có nhiều lý giải và cho rằng: Chính sách đào tạo phải đảm bảo tính tự chủ đầy đủ cho các cơ sở đào tạo; phát triển hệ thống hướng nghiệp liên tục, xuyên suốt từ các cấp học phổ thông đến các trường dạy nghề, cao đẳng đại học và quan trọng là duy trì được việc học tập suốt đời của người lao động. Để đẩy nhanh việc đào tạo, cần huy động sự tham gia của khu vực doanh nghiêp vào quá trình này và nhất là đào tạo lại cho người lao động.Theo đó, khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp vào thiết kế các chương trình đào tạo và đào tạo lại là những việc làm cần thiết.

Về chính sách tạo việc làm. Trước hết các quy hoạch phát triển cấp vùng, tỉnh cần quan tâm đầy đủ đến phát triển các khu kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp(CCN) theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị, để có thể vừa khai thác sử dụng lực lượng lao động tại chỗ, vừa thu hút được lao động chất lượng cao, tạo tác động lan tỏa và cải thiện mặt bằng lao động.Trong xu thế già hóa dân số ngày một gia tăng, cần khuyến khích sử dụng lao động lớn tuổi, hỗ trợ tạo việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Theo đó, hoàn thiện hệ thống luật pháp về thanh, kiểm tra; đảm bảo để người lao động tiếp cận được đầy đủ các quy định và sự hỗ trợ cuả Nhà nước là việc làm quan trọng trong quản lý lao động.

Sửa đổi chính sách tiền lương gắn với năng lực và hiệu quả lao động cần được tiến hành trên cơ sở đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công việc của người lao động, bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc cho từng vị trí công việc; tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị dịch vụ công và các tổ chức chính trị-xã hội,

Để đa dạng hóa các loại hình BHXH, cần sửa đổi luật BHXH theo hướng phát triển đa tầng, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, hạn chế và xử lý nghiêm hành vi trốn đóng hoặc trục lợi từ BHXH. Ngoài ra, cũng cần xây dựng các chương trình BHXH phù hợp, đặc biêt đối với lao động phi chính thức, lao động nữ và người cao tuổi

Sau cùng, để phát triển các định chế trung gian và hệ thống thông tin truyền thông, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần đổi mới các trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khuyến khích dịch vụ việc làm tư nhân bao gồm cả việc tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp lao động thời vụ. Đối với hệ thống thông tin truyền thông cần xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lao động ở các cấp theo một chuẩn mực thống nhất, nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời về cung cầu lao động theo hướng tiếp cận mở; xây dựng cơ chể phối hợp, quản lý, chia sẻ dựa trên các cuộc điểu tra khảo sát và lưu trữ tổng hợp của cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội.

Thay cho lời kết

Là một nội dung quan trọng trong quá trình chuyển đổi, trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tăng nhanh giá trị nội địa,nhất là sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, lực lượng lao đông đã trở thành nguồn vốn nền tảng để xây dựng đất nước.

Từ tâm huyết của các nhà nghiên cứu và sự đồng cảm. hỗ trợ nhiệt thành của bạn bè quốc tế, hy vọng những kiến giải tổng hợp qua bài viết sẽ được các nhà quản lý và hoạch định chính sách quan tâm trong tìm kiếm những gải pháp thiêt thực để phát triển bền vững, sớm đưa nước nhà vươn lên, dứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển./.

Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ Hà Nội

Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com

 

Biến động lao động trong nền kinh té Việt Nam năm 2017-2019

Đơn vị Người,%

Khu vực

2017

2018

Tăng giảm

%

Doanh nghiệp Nhà nước

1.201.000

1.126.700

- 74.300

- 6,1

Doanh nghiệp ngoài Nhà nước

8.807.000

8.977.000

+170.000

+19,1

Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài

4.510.000

4.714.000

+ 204.000

+22,9

Cơ sở  cá thể ngoài nông nghiệp

8.664.000

9.036.752

+372.560

+41,9

Xuât khẩu lao động

-

-

+142.860

+16,1

Tổng số lao động tăng thêm

 

 

+889.420

100

Nguồn CIEM 4.2021

Bạn đang đọc bài viết "TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ TRÊN CƠ SỞ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG." tại chuyên mục KINH TẾ. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.