Nhạc sĩ Phó Đức Phương một đời tận tụy

Đăng bởi Thanh Lam

13/10/2020 14:39

Nhạc sĩ Phó Ðức Phương từng bảo tôi, sau khi nghe bác sĩ thông báo ông bị ung thư giai đoạn cuối, rằng: "Tớ biết bệnh tớ là gì chứ, là ở ngưỡng của cái chết, tớ đã chăm bạn tớ bị ung thư tớ còn lạ gì, nhưng tớ nghĩ chỉ là lại tiếp tục vất vả đây, chứ trời chưa cho tớ nghỉ, tớ còn bao dự định chưa làm…"

"Lại tiếp tục vất vả đây", câu nói ấy tôi thấu hiểu lắm. Một người cả đời vất vả. Tôi quen vợ chồng ông hơn 20 năm, làm việc với ông hơn tám năm, tôi kém ông sáu tuổi, anh em chơi với nhau khá tri kỷ, những tâm sự chân thành nhất cũng nói, đôi khi cũng va chạm vì ông là người "gàn", cực đoan và kiên định, mà thời buổi này, những phẩm chất ấy nhiều khi đem lại những bất lợi không nhỏ trong công việc. Song, kể từ khi thôi không làm việc cùng nhau nữa, ông vẫn xuống xưởng vẽ của tôi chơi với các họa sĩ, hoặc để nói câu chuyện thời sự mà ông luôn day dứt…

Quen, thân nên tôi biết ông có cuộc sống vất vả trần đời. Nhưng nhìn vào thì có vẻ sướng: viết bài hát nào cũng hay, đi đâu cũng có người biết. Từ bà bán chè chén vỉa hè đến chính khách cỡ lớn thấy ông đều chào hỏi, ai cũng trân trọng. Vợ trẻ đẹp, con cái trưởng thành, lại là giám đốc một cơ quan đang độ thành công (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC). Nhưng nào ai biết ông đã đi những bước thăng trầm đến độ nếu không có bản lĩnh thì bỏ cuộc từ đầu. VCPMC là gì, tại sao bỗng dưng lại phải mất tiền cho nó, từ xưa đến nay âm nhạc cứ dùng thoải mái, chả cần phải hỏi ai, xin ai, chỉ cần cái giấy phép của cơ quan chức năng là thỏa sức dùng. Họ quan niệm rằng dùng cho các ông là may rồi,

chứ có nghĩ đâu, âm nhạc nói riêng và sản phẩm trí tuệ nói chung phải cần có bản quyền, phải được người có quyền tác phẩm cho phép mới được! Ðó là cả một thay đổi về nhận thức xã hội, mà Phó Ðức Phương là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà VCPMC, một tổ chức cần phải có, không chỉ để bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ trong nước và quốc tế, mà còn là điều kiện để một quốc gia hội nhập với toàn cầu.

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, ông đã tự mình tìm hiểu những điều luật về quyền tác giả, là thành viên sáng lập và Giám đốc điều hành VCPMC từ năm 2002, trong khi phải đến năm 2008, Việt Nam mới nhập Công ước Berne (Công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật). Những năm tháng ấy, ông đương đầu với mọi thử thách vì sự khó hiểu của Luật Sở hữu trí tuệ của số đông. Nhưng đến khi thành công thì lại bị nghi ngờ về tính mục đích của hành động khai sáng đó.

"Ðường dễ không đi, cứ chọn cái khó", anh chị em trong nhà ông cũng nói thế, tôi cũng đôi lúc đùa thế và khuyên ông hãy thỏa hiệp, hãy đi từ từ để số đông theo kịp… Ông rất bực trước những lời khuyên đó! Trong sáng tác cũng vậy, viết cái gì cũng khó, thậm chí những nốt (note) cực khó, một nốt có đến 14 nốt phụ. Ai hát kêu khó, ông hát mẫu cho nghe trước, rồi bảo, các cậu không cần sáng tạo gì hơn, tớ bảo đảm cứ hát đúng nốt của tớ là sẽ hay. Bình thường ông là người hay cười, vui tính nhưng cứ vào việc (quyền tác giả hay thể hiện tác phẩm) thì ông khó tính cực kỳ, nhăn nhó cáu bẳn, sai một ly một lai ông cũng không chấp nhận. Ðang là nghệ sĩ mơ mộng mà thuộc luật có khi còn hơn cả luật gia. Về âm nhạc thì độ sâu sắc kinh ngạc hơn nữa. Nhạc của Phó Ðức Phương thuần Việt hơn cả Việt, dân ca (đồng bằng Bắc Bộ) thấm sâu trong máu từ "khi mẹ đưa nôi", ông đã phát triển nó, không chỉ là ảnh hưởng nó mà tạo ra một thứ dân ca Việt cao hơn, đáng thích hơn, có sức lay động tâm can không chỉ người Việt mà vượt khỏi biên giới vì ngôn ngữ hiện đại của nó…

Ðể viết một tác phẩm dù nhỏ nhưng ông cũng để tất cả tâm huyết vào đó. Ông luôn bảo: "Tư tưởng là quan trọng nhưng chi tiết là cái làm nên diện mạo cá nhân", vì thế nên ông đọc nhiều sách, nghiền ngẫm sâu sắc mọi sự, từ đó nảy sinh cảm xúc. Vì thế ông là một trong không nhiều các nhạc sĩ tự viết lời cho ca khúc, và từng chữ một đều được nâng lên đặt xuống trước khi hạ bút…

Ông tự nhận mình là người nghèo thành thị.

Ðến chơi nhà tôi cách trung tâm Hà Nội 8 km, thấy nhà có sân vườn, ông bảo: tớ thèm nhìn cái cảnh lá rụng như thế này, tớ ước đời tớ có một không gian đơn sơ vậy thôi mà chỉ có 49 m2. Tôi biết, ông cũng chỉ nói thế thôi chứ ông coi giàu nghèo là một, là vô nghĩa.

Kể đến đây, tôi càng thấy thương ông ghê gớm. Tôi biết vợ chồng ông vừa mới thoát nghèo, ra khỏi căn nhà 49 m2 ở con hẻm trong ngõ Văn Chương, để về ở ngôi nhà của một người (gán nợ cho ông) trên đường Âu Cơ, rộng 80 m2 chưa được ba năm, nhưng cũng bị người ta hiểu lầm…

Thôi, thoát rồi, tất cả những thị phi đó. Nhẹ nhàng yên nghỉ như lời bài hát của ông: Thôi trút đi gánh nặng đường xa/Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/Ðường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe/Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề…

Thôi về nhé, Phó Ðức Phương với miền mây nước, hãy trọn một lần đứng trên đỉnh phù vân nhìn xuống, và thấy mình đã sống đủ đầy, đã đặt cuộc đời tử tế của mình giữa những sóng gió mà không bao giờ nản. Tiễn ông, xin gửi một nén hương này.

Thanh Lam
Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Phó Đức Phương một đời tận tụy" tại chuyên mục Nhân vật - Sự kiện. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.