Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn

Đăng bởi Cảnh Trực

22/10/2020 20:51

Giữa những vùng đất quanh năm nhiễm phèn, qua bàn tay, khối óc của lão nông Nguyễn Văn Sáu, cả một vùng đất "chết" đã được hồi sinh kỳ diệu, thách thức thiên nhiên…

Yêu quý đất… hoang!

Nhiều năm trước, ít ai ngờ rằng, giữa vùng nước nhiễm phèn ấy, lúa không thể mọc nổi, thay vào đó chỉ toàn những loại thực vật như cói, lác, cỏ dại mới có thể sinh tồn. Thế nhưng, qua bàn tay, khối óc của lão nông Nguyễn Văn Sáu lại có thể hồi sinh vùng đất chết thành những ruộng khóm bạt ngàn rộng hơn 50ha trải dài rợp cả vùng biên giới xã Bình Thạnh, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi từng là vùng đất “khỉ ho cò gáy”, nay hoàn toàn thay da đổi thịt.

Ông Sáu bên cánh đồng khóm rộng mênh mông tại xã biên giới Bình Thạnh. 

Ông Sáu bên cánh đồng khóm rộng mênh mông tại xã biên giới Bình Thạnh. 

Ông Sáu kể lại, trước khi có được trang trại khóm, ông từng canh tác lúa trên đất phèn nên thấu hiểu phần nào nỗi khổ của người làm lúa. Sau khi mở đại lý bán bia, nước ngọt tại nhà, nhờ ăn nên làm ra, cứ hễ dành dụm được bao nhiêu tiền là ông lại mua lại đất nhiễm phèn bà con bỏ hoang. Với cách làm như thế, từ vài ha đất ban đầu, đến nay, ông đã sở hữu được 150ha đất nông nghiệp.

“Khu vực cánh đồng này nằm sát biên giới nên xa khu dân cư, đường, điện không có nên giá đất khi đó cũng rẻ. Ngoài ra, nhiều bà con thấy mình yêu quý đất, để đất không cũng phí nên bà con sang nhượng lại với giá như cho, nhờ vậy tôi mới có cơ ngơi như hôm nay”, ông Sáu chia sẻ.

Khóm thu hoạch từ vườn của ông Sáu chuẩn bị xuất bán. 

Khóm thu hoạch từ vườn của ông Sáu chuẩn bị xuất bán. 

Nói về mối lương duyên với cây khóm, ông Sáu cho biết, năm 2016, nghe tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản và Công ty Lavifood sẽ xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả ở huyện Gò Dầu. Nhận thấy đây là cơ hội để ông khai thác vùng đất nhiễm phèn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo xu thế thị trường, qua những chuyến tham quan tại các vùng đất phèn tại miền Tây, nhìn thấy những cánh đồng khóm xanh tốt cho năng suất cao, ông quyết định đầu tư trồng khóm.

Gian nan thử lòng người

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại khóm bạt ngàn được bao quanh bởi con đường bê tông rộng 1,2m vừa để vận chuyển khóm vừa là bờ bao, phải chạy xe gắn máy gần 30 phút mới giáp hết ruộng, ông Sáu kể loại khóm ông canh tác là khóm Queen, có nhiều ưu điểm vượt trội như cây phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, cho quả to giòn và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây khóm có bộ rễ tương đối yếu và ăn nông nên muốn có năng suất cao đất cần có tầng mặt xốp, nhiều mùn và chất dinh dưỡng, đồng thời thoát nước tốt trong mùa mưa.

Tận dụng con nước xen kẽ giữa ruộng khóm để vận chuyển nông sản và bón phân, xịt thuốc. Ảnh: Trần Trung.

Tận dụng con nước xen kẽ giữa ruộng khóm để vận chuyển nông sản và bón phân, xịt thuốc.

Theo ông Sáu, với quy mô vài ha thì công đoạn làm đất không khó, tuy nhiên với 50ha như ông thì chuyện không hề đơn giản. Để sản xuất khóm hiệu quả, ông Sáu đã bỏ ra hàng trăm thậm chí cả tỷ đồng để thiết kế những liếp khóm cao ráo.

Ông Sáu chia sẻ: “Mặc dù đất phèn nhưng cũng có giới hạn và phải lên liếp đúng cách thì trồng khóm mới sống được, trong lúc lên liếp nên lấy 4 - 5 tấc đất mặt cho hết sang một bên rồi múc lớp đất dưới đáy lên liếp, sau đó dùng 4 - 5 tấc đất mặt trước đó trải trên mặt liếp, phần còn lại trải lên làm đường. Nhờ vào cách làm khoa học như vậy, vừa có đất trồng khóm, vừa có đường, đặc biệt tận dụng con nước xen kẽ giữa ruộng khóm để vận chuyển nông sản và bón phân, xịt thuốc cho khóm rất thuận lợi”.

Ông Sáu cho biết thêm, khâu làm đất chuẩn bị xong, một vấn đề khác lại phát sinh, do khu vực cách đồng khóm dường như biệt lập với thế giới bên ngoài, đường sá chưa hoàn thiện, để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản, ông Sáu đã bỏ tiền túi, đầu tư 500 triệu đồng làm một con đường đất đỏ nối từ đường nhựa vào ruộng khóm dài gần 3km.

“Con đường mở ra không chỉ giải quyết bài toán vận chuyển nông sản, nó còn kết nối nội vùng sản xuất, tạo lối mở cho bà con trong khu vực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, ông Sáu phấn khởi nói.

Cảnh Trực
Bạn đang đọc bài viết "Người gieo 'đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên' trên đất phèn" tại chuyên mục Nông nghiệp. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.