Khuyển Trường Sa - Người bạn “tâm giao” của người lính đảo

Đăng bởi Mây

23/03/2020 07:06

Nhiều năm nay, chúng – những chú chó đảo Trường Sa - vừa là bạn vừa đồng chí giúp những người lính đảo làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc.

Chúng chỉ là những chú chó bình thường - Không nổi tiếng như “tứ đại quốc khuyển” ở Việt Nam (chó xù Bắc Hà, Dingo Đông Dương, H’Mông cộc hay chó Phú Quốc) - nhưng được nuôi ở ngoài hải đảo Trường Sa xa xôi.

Người bạn trung thành của người lính đảo

Chó từ lâu luôn được coi là con vật thân thương, gần gũi và cũng là loài vật trung thành nhất với con người. Loài chó ở đâu cũng là con vật tình cảm, thân thiết, nhưng chó ở Trường Sa càng thân thiết với con người hơn. Ở nơi đảo xa, người lính Trường Sa thiếu tình cảm gia đình, vắng bóng người thì tình cảm con người và vật nuôi càng thêm gắn bó.

Ở khắp các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa, đâu đâu người ta cũng thấy những “tiểu đội” chó. Không biết những chú khuyển có mặt ở Trường Sa chính xác từ thời gian nào, nhưng nghe kể lại, khi những người lính ra đây giữ nhiệm vụ canh giữ biển trời tổ quốc thì những chú khuyển cũng được đưa theo cùng.

Vốn là những chú chó bình thường trong đất liền được lựa chọn những con khỏe mạnh để đưa ra đảo, chúng nhanh chóng thích ứng với môi trường khắc nghiệt, quanh năm chỉ có nắng, gió, vị mặn mòi của biển. Điều đó khiến những chú chó nơi đây trở nên mạnh mẽ và cũng “chì” như những người lính đảo.

Chó sống ở đảo chìm Trường Sa cũng có những nét đặc trưng hơn những chú chó sống trên đảo nổi. Bởi lẽ, chó ở đảo nổi có môi trường gần giống trong đất liền, có cây cối, khoảng đất rộng để chạy nhảy vui đùa. Còn chó ở đảo chìm sống trong không gian hẹp. Sân chơi của chúng là biển và những bãi san hô bạt ngàn khi thủy triều rút. Nhưng sống ở đâu thì chó đảo Trường Sa vẫn là những người bạn trung thành của những chiến sỹ trên đảo.

Trên các đảo, mỗi khi có đoàn công tác hay ngư dân ghé thăm đảo là chó tập trung lại sủa vì có người lạ, nhưng khi được lính đảo “quán triệt”, biết là “người nhà” thì ngoan ngoãn, hiền lành. Chả thế mà khi khách lên đảo, chỉ thấy chúng vẫy đuôi mừng, có khi là nằm ườn cả đàn đùa nghịch hoặc phơi nắng. Hoặc chỉ ít giờ trên đảo là chúng quen và chơi đùa với khách. Cũng vì vậy mà chúng được gán cho tính “lành”.

Những người lính đảo thực hiện nghĩa vụ trên đảo và chăm sóc đàn chó đã thân thiết với những chú khuyển cực kỳ tình cảm và thông minh nơi này. Thường xuyên gần gũi với bầy chó nên với họ đi đâu bầy chó cũng nhao nhao đòi theo. Nhiều lần chó trong đàn ốm, các đồng đội góp sữa để bón cho chúng mau khỏe. Ngoài ra, họ còn dành thời gian nấu cháo riêng cho chó mẹ để nó mau hồi sức và chăm các con mau lớn.

Ở trên đảo, ngoài tình đồng chí, đồng đội thì tình cảm của bộ đội với những chú chó cũng vô cùng thân thiết. Tại các đảo chìm, thi thoảng bộ đội đi tuần tra bằng canô quanh đảo, nhiều chú chó cũng nhảy lên đi cùng. Ban đầu bị chòng chành vì sóng, các chú chưa quen, nhưng sau đó thì chỉ cần thấy bộ đội hạ xuồng là nhiều con bu lại đòi đi cùng.

Sau những khoảng thời gian tập luyện thể dục, thể thao, lính đảo thường đi tắm biển. Nhiều chú chó cũng lẽo đẽo chạy theo ra sát mép nước. Nhìn thấy bộ đội bơi dưới nước và huýt sáo gọi, nhiều chú chó phấn khích nhảy ùm xuống biển và bơi cùng bộ đội. Ban đầu là 1 vài chú tắm thử, sau đó có khi cả đàn ra bơi cùng tạo nên cảnh tượng vô cùng thú vị, đáng nhớ.

Những người lính thời gian đầu ra đảo mặc dù có anh em, đồng đội nhưng không tránh được những lúc nhớ nhà. Những lúc ấy buồn lắm, anh em thì mỗi người một nhiệm vụ chẳng biết tỏ cùng ai nên số ít lại ra chơi đùa với đàn chó. Nhìn chúng vây quanh, nghịch ngợm, nỗi nhớ nhà phần nào nguôi đi và dần coi bầy chó như những người bạn thân thiết của mình...

Người đồng chí thân thương

Những đàn chó ở Trường Sa cũng có “người chỉ huy”, chúng cũng tuân theo nguyên tắc để giữ gìn trật tự và điều phối mọi hoạt động của đàn. Trong mỗi đàn đều có 1 con thủ lĩnh, ví như ở đảo chìm Núi Le là Bốp oai vệ, đảo Đá Lớn B là Xù lầm lỳ, đảo Cô Lin là Min thân thiện...

Đảo chìm thường nhỏ, việc giữ gìn vệ sinh trên đảo rất quan trọng nhưng bộ đội chưa bao giờ phải dọn vệ sinh cho chó. Bởi lẽ, chỉ cần huấn luyện con đầu đàn là tự khắc các con khác trong đàn cũng làm theo. Những vị trí trên đảo có thể đi hay không thể cũng chỉ cần “phổ biến” với chú chó đầu đàn, lập tức các con khác trong đàn không dám làm trái.

Theo đó, ở đảo Đá Lớn B, đảo Cô Lin cả đàn chó không đi vệ sinh trên các lối đi mà đều xuống bờ kè ven biển. Sóng biển dâng lên cuốn trôi mọi thứ rất sạch sẽ. Ở cả 2 đảo này, đàn chó cũng biết những điểm hạn chế được di chuyển và sinh hoạt chứ không chạy bát nháo. Giờ cơm trên đảo Cô Lin, khi nghe tiếng kẻng báo cơm, con đầu đàn hú lớn gọi đàn. Tất cả đàn chó tập trung lại hú lên 1 hồi sau đó trật tự nằm ở vị trí chờ đợi.

(Đảo Trường Sa. Ảnh; Internet)

Mỗi khi có đoàn công tác ghé thăm đảo, có đảo chỉ con đầu đàn và 1, 2 con cái ra đón, có đảo cả đàn đứng sau con đầu đàn mừng rỡ chào đoàn. Tất cả đều do con đầu đàn quyết định. Những thành viên trong đàn chấp hành nghiêm như trong quân đội vậy. Nhiều người ví chúng như những “lính đảo đặc biệt” ở Trường Sa là vì lẽ đó.

Trên đảo Đá Lớn B và các đảo chìm khác, con đầu đàn thường dẫn những thành viên đi săn cá. Mỗi sáng, khi thủy triều rút lộ ra những vũng nước trên rặng san hô cạn, Xù lại kéo 5, 7 con trong đàn đi săn cá. Chúng kéo nhau đi xa cả kilomet, bơi lội như những tay chuyên nghiệp để bắt mồi. Đôi khi chúng không ăn hết, tha cá về nhà thả xuống cho đàn chó con đùa nghịch. Đến gần trưa, khi triều dần lên, con đầu đàn biết mà gọi đàn trở về không bị ngập nước.

Chó ở Trường Sa không phải đối mặt với trộm, hoặc tranh giành lãnh địa với đồng loại, nhưng ở đây chúng còn phải đối mặt với những kẻ thù còn nguy hiểm hơn thế. Nhiều đảo là điểm nóng vì gần vị trí đảo của ta nhưng bị nước ngoài chiếm đóng, xây dựng trái phép. Chúng thường xuyên đưa tàu thuyền, máy bay qua lại. Một số chiến sỹ trên đảo chia sẻ, những con tàu lạ, những tiếng động lạ không bao giờ lọt qua mắt, qua tai của những chú “lính đảo đặc biệt” này. Nhiều khi thấy tiếng động lạ hoặc vật thể lạ di chuyển quanh đảo nhưng chúng không sủa mà lại chạy quanh, cào vào chân như ra ám hiệu cho bộ đội ta nắm bắt được tình hình. Sự đề cao cảnh giác của những chú khuyển thông minh khiến bộ đội vừa vui, lại vừa yên tâm công tác trên đảo.

Trên các đảo ở Trường Sa, không khó để nhận thấy trên các bia chủ quyền trên đảo, ngoài những người lính canh gác ngày đêm thì những chú khuyển cũng rất thường xuyên có mặt ở khu vực này. Hình ảnh đó vừa yên bình cũng lại vừa thấy như những “lính đảo đặc biệt” đang góp phần nào canh gác biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Mây
Bạn đang đọc bài viết "Khuyển Trường Sa - Người bạn “tâm giao” của người lính đảo" tại chuyên mục INSPIRATIONAL STORY. Cảm ơn Quý vị đã tìm hiểu những thông tin tư liệu tham khảo về: Tin tức hoạt động của VIỆN NGHIÊN CỨU HỢP TÁC KHOA HỌC KỸ THUẬT CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG về Khoa học, Kỹ thuật, Hợp tác đầu tư, Dự án, Tri thức, Thời đại, Sản phẩm dịch vụ KHKT do Viện phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://kinhtevadautu.vn/ theo Điều lệ Viện và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.